Dưa hấu là trái cây ngon, ngọt lại vừa mát miệng. Mùa dưa hấu bắt đầu rộ vào giữa tháng chạp. Vào dịp Tết dù gia đình có khó khăn đến đâu cũng có một cặp dưa trên bàn thờ ông bà. Trái dưa hấu ruột đỏ hoặc vàng chứa rất nhiều hột nhỏ. Người lớn ăn dưa lừa hột ra dễ dàng. Trẻ em, nhất là vào khoảng 1 – 2 tuổi, chưa biết cách lừa hột dưa nhưng lại rất thích ăn dưa. Chúng ta thường xẻ dựa theo kiểu múi cam và đưa cho em ăn, không để ý gì đến những hột nằm bên trong miếng dưa.
Các em ở tuổi nhỏ thường hay háu ăn, gặp dưa hấu là giành ăn cho bằng được. Khi giành ăn là phải nói, phải la, nhiều khi phải khóc. Trong lúc ăn, có dưa hấu trong miệng, hột chưa được lừa ra, mà em nói, la hoặc khóc, không khí vào miệng vào đường thở lôi theo hột dưa. Đó là nguyên do hóc hột dưa thường thấy. Có trường hợp thấy em lén ăn dưa, gia đình la rầy, giựt dưa lại làm em khóc hay em giật mình, hột dưa cũng có thể theo không khí vào đường thở. Có nhiều khi, em được phép ăn nhưng em không ngồi một chỗ ăn đàng hoàng mà vừa ăn, vừa chạy, vừa giỡn, vừa nhảy… Các động tác này làm cho em thở mạnh hơn và hột dưa có dịp theo hơi thở vào trong. Đây chỉ là vài tình huống hột dưa vào đường thở mà thôi, mọi cử động mạnh, mọi thở vào, mọi giựt mình đều có thể làm cho hột đưa vào đường thở.
Đường thở của chúng ta gồm có thanh quản, khí quản và phế quản. Đường thở chỉ chấp nhận không khí vào mà thôi. Mọi vật gì khác, hột dưa chẳng hạn, vào đường thở làm cho bệnh nhân bị khó thở, tím tái, họ sặc sụa. Đây là phản xạ bảo vệ của con người. Khi hột dưa vào, thanh môn sẽ khép lại với tác dụng là ngăn cản không cho dị vật vào. Trên thực tế, động tác khép thanh môn này không ngăn kịp dị vật vào. Hột dưa là loại hột đẹp, cứng và nhẹ. Qua khỏi thành môn, hột dưa sẽ theo không khí xuống sâu đến phế quản gốc. Nhưng, khi thở ra, vì là hột dẹp và nhẹ, hột dưa sẽ bị không khí đưa lên đến tận cùng thanh môn, bịnh nhân bị khó thở vì thành môn khép lại, nhưng khi thở vào, hột dưa lại rớt xuống thấp. Như vậy hột dưa sẽ theo không khí khi trồi lên, khi tụt xuống và bịnh nhân bị khó thở từng lúc. Có khi hột dưa tụt xuống mắc kẹt ở phế quản, không trổi lên, bệnh nhân không bị khó thở từng hổi, nhưng dị vật chèn vào phế quản làm viêm phế quản, phế quản phế viêm, khí phế thủng, xẹp phổi… em bé có thể tử vong.
Điều trị bệnh này rất khó. Trước hết là phải định bệnh có phải là em bị hột dưa vào đường thở không? Đối với người nhà em bé, tuy là không phải ngành y, người nhà có thể định bệnh bằng cách căn cứ vào 3 vấn đề sau:
– Thứ nhất là em có ăn dưa hấu trong đó có hột dưa.
– Thứ nhì là đang lúc ăn, em bị sặc sụa, ho, khó thở và tím tái.
– Thứ ba là sau cơn khó thở dầu tiên, em thở lại được nhưng thỉnh thoảng lên một cơn khó thở, Hoặc là em không lên các cơn khó thở nhưng em khó chịu, bứt rứt, thở khò khè như người bị phế quản phế viêm (sưng phổi).
Sau khi định bệnh phải đưa em đến ngay cơ sở có chuyên khoa tai mũi họng, nơi đây sẽ định bệnh lại cho chính xác bằng hỏi lại kỹ các triệu chứng nêu trên, đồng thời cho em X quang phổi để tìm các biến chứng như khí phế thủng, phế quản phế viêm, xẹp phổi… Sau khi xác định bệnh, em được đưa vào phòng mổ để gây mê và soi gắp ra.
Gắp hột dưa trong đường thở em bé rất khó, phải có bác sĩ gây mê tốt, có đầy đủ dụng cụ thích hợp và có bác sĩ soi gắp có nhiều kinh nghiệm. Kỹ thuật soi gắp tùy theo vị trí của hột dưa. Nếu hột dưa bị kẹt sâu, ở vùng dưới phế quản gốc, bác sĩ phải đưa ống soi đến tận nơi, nhìn tận mắt hột dưa, nghiên cứu thế nằm của hột dưa và cuối cùng đưa cây gắp vào để gắp hột dưa. Trong trường hợp hột dưa di động lên xuống theo không khí thở, phải đưa cây gắp vào vùng thanh môn, đầu kẹp đã mở sẵn, chờ khi nào hột dưa theo không khí trồi lên trên chạm cây kẹp, bác sĩ sẽ kẹp tức khắc hột dưa và lôi ra ngoài.
Đây là quá trình suông sẻ trong soi gấp hột dưa. Nhưng trên thực tế, phải khó khăn lắm mới gắp được. Trong trường hợp hột dưa kẹt ở dưới sâu, tuy thấy trước mắt mà nhiều khi phải gắp hai ba lần mới được. Trong trường hợp hột dưa di động lên xuống, gắp dị vật khó hơn nhiều. Có khi phải năm bảy lần mới tóm được hột dưa.
Trong quá trình soi gắp hột dưa, nhiều khi không tránh khỏi tai biến. Thanh môn bị chạm nhiều, phù nề gây khó thở, nếu không xử lý kịp thời em bé sẽ tử vong vì ngạt thở. Trong lúc gắp hột dưa có thể làm thủng khí phế quản, gây tràn khí trung thất đưa đến viêm trung thất và em bé tử vong dễ dàng. Trong trường hợp gắp không được hột dưa nằm trong đường thở lâu ngày gây ra abcès và rất dễ tử vong. Chúng tôi nhận thấy điều quan trọng không phải là có gây mê tối, có đầy đủ dụng cụ soi gắp, có bác sĩ tai mũi họng có tay nghề cao, mà là làm sao phòng ngừa trước, đừng để cho các em bị hóc.
Có biết bao nhiêu em đã tử vong tại nhà hoặc trên đường đi đến bệnh viện. Chúng ta phải khẳng định các em bị hột dưa vào đường thở là lỗi ở người lớn. Đây là một bịnh tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa trước được. Ở các nước tiên tiến, để phòng ngừa, không bao giờ, họ xử dụng các quả có hột trong nước đồng thời các quả có hột đều bị cấm nhập khẩu. Muốn nhập khẩu các quả này phải lảy cho hết hột.
Ở nước ta, một nước đang phát triển chưa có qui luật gì về sử dụng các quả có nhiều hột như dưa hấu, mãng cầu… Về nhập khẩu thì chưa có qui luật gì cấm nhập các quả có nhiều hột. Bàn về dưa hấu, chúng tôi vẫn đồng ý đây là một loại trái cây vừa ngọt, nhiều nước lại vừa rất dễ ăn. Ngoài ra, đây là một loại trái cây truyền thống trong các ngày Xuân. Chúng ta có thể cho con cháu ta ăn dưa hấu với điều kiện là phải lảy cho bằng hết các hột rồi mới cho các em ăn. Ngoài ra, chúng ta không bao giờ để hột dưa ở ngay tầm tay các em. Các em có thể bốc hột dưa bỏ vào miệng và hột dưa sẽ vào đường thở.
Nói tóm lại, bệnh hột dưa vào đường thở trẻ em là một bệnh nguy hiểm, điều trị rất khó và dễ gây tử vong. Rất may có thể phòng ngừa bệnh này được: Đừng bao giờ cho em ăn dưa hấu còn hột, đừng bao giờ để các hột dưa ở tầm tay các em. Đừng để con cháu mình bị nguy hiểm do sự bất cẩn của chính mình. Có vậy chúng ta mới ăn được một cái Tết yên vui, hưởng một năm mới hạnh phúc.