Từ lâu, người ta thường nghĩ rằng thời gian có thai là lúc nghỉ ngơi hoàn toàn, không được làm điều gì có vẻ thất thường, ngay cả khi ăn uống cũng nên tránh thức ăn lạ. Nhiều người cho rằng các cử động thể dục thể thao sẽ làm tử cung bị sa xuống và làm hư thai. Từ vài chục năm nay với sự phát triển của phong trao thể dục thể thao và của các phương tiện chuẩn đoán hình ảnh không gây tổn thương (siêu âm chuẩn đoán…), nhiều công trình nghiên cứu đã đặt lại vai trò vận động thể dục thể thao khi có thai trong khi khảo sát ảnh hưởng của thể dục thể thao đối với phụ nữ nói chung. Các vấn đề được đặt ra là ảnh hưởng của vận động thể dục thể thao đối với thai phụ, có nên tập thể dục thể thao khi có thai không, các môn nào nên tập và tập như thế nào cho tốt? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Ảnh hưởng của vận động thể dục thể thao trên thai phụ như thế nào?
Đối với bà bầu: Người phụ nữ khi có thai có nhiều biến đổi trong cơ thể: Lượng máu tăng lên 35% làm tim chịu áp lực nặng hơn, lượng progesteron tăng lên làm tăng độ nhạy cảm của trung tâm hô hấp khi thiếu oxy, nhu cầu oxy tăng lên, lượng Estrogen và Relaxin tăng lên làm mềm các dây chằng, nhất là vùng khung chậu làm giảm khả năng tự kiểm soát khi di chuyển, lớp cơ bụng và cơ tầng sinh môn chịu áp lực ngày càng nặng khi tử cung ngày càng to.
Khi tập vận động điều độ nhẹ nhàng, các cơ vùng bụng và tầng sinh môn mạnh hơn làm giảm đau lưng và khi sinh ít đau từ đó làm giảm ngày nằm viện và ít khả năng phải bị mổ lấy thai. Đặc biệt tập vận động làm mẹ bầu tự tin hơn, có sức khỏe hơn, ăn uống nhiều hơn mà sự lên cân có thể kiểm soát được tránh tình trạng huyết áp cao và sản giật, trung bình lên mỗi tháng 1,4kg. Như vậy thể dục thể thao có ảnh hưởng tốt đối với người mẹ với điều kiện phải có sự theo dõi của bác sĩ.
Đối với thai nhi: Thai nhi được bảo vệ bởi tử cung và nước ối như một hệ thống giảm, chống sốc trong vận động. Lúc mới bắt đầu tập, nhịp tim của thai nhi chậm lại sau 3 phút trở lại bình thường trong khi vẫn tiếp tục vận động. Lý do là lúc đầu tuần hoàn máu giảm ở vùng tử cung và cuống nhau nhưng sau đó trở lại bình thường khi tập vận động điều độ được khả sát qua siêu âm Doppler. Ngoài ra, ảnh hưởng quan trọng đối với thai nhi là nhiệt độ bên trong của người mẹ: Nếu nhiệt độ bên trong tăng cao quá 39 độ C thì thai nhi sẽ bị dị tật như đầu nhỏ, hay co giật, ngu đần, mặt méo, khớp đơ, thiếu răng, sa ruột. Do đó, cần tránh tập quá căng thẳng và khi nhiệt đột môi trường cao.
Tóm lại, thể dục thể thao không ảnh hưởng xấu đối với thai phụ và thai nhi khi vận động điều độ ở trời mát với sự dinh dưỡng đầy đủ. Trái lại, thể dục thể thao còn làm cho thai phụ sinh ít đau, về nhà nhah, ít biến chứng khi sanh và thai nhi có trọng lượng phát triển bình thường.
Nếu không biết có thai, tập thể dục thể thao tích cực có nguy hiểm không?
Đó là trường hợp các nữ vận động viên đang mùa thi đấu tập luyện căng thẳng mà không biết mình đang mang bầu. Hiện nay chưa có kết luận rõ ràng về trường hợp trên vì chưa đủ tư liệu xác đáng. Có tư liệu cho rằng không ảnh hưởng trong 6 tháng đầu tiên. Có tài liệu cho rằng nếu không được huấn luyện kỹ, không nên tập tích cực dù ở thời kỳ nào của thai kỳ.
Khi đang mang thai chị em nên tập các môn thể dục thể thao nào?
Theo nguyên tắc, nên tránh các môn làm giảm lượng oxy trong máu (lặn dưới nước, leo núi cao) hay va chạm mạnh trực tiếp (võ thuật, đá bóng, đô vật…) hay các môn cần luyện tập căng thẳng (chạy nước rút…). Các môn thường được các mẹ bầu ưa chuộng là đi bộ, chạy thong thả từ từ, bơi lội. Hiệu quả tốt của đi bộ và chạy thong thả đã được nhiều người chấp nhận, còn bơi lội thì tùy thuộc nhiều yếu tố: Mực nước không cao khỏi cổ, nhiệt độ nước khoảng 30 độ C (đây là điều khó thực hiện) và thai phụ không sợ nước.
Tập thể dục như thế nào khi đang mang thai?
Các nguyên tắc chung cần chú ý:
– Chuẩn bị trước khi tập: Ăn uống nhẹ đầy đủ, khởi động làm ấm từ từ vì các dây chằng mềm hơn người thường.
– Lúc tập:
+ Tránh cử động quá mạnh bạo và nặng.
+ Không để thai đè vào các mạch máu phía sau (Tránh nằm mà tập lâu và nặng) nhất là sau 4 tháng thai kỳ.
+ Không nên tập khi nhịp tim hơn 140 lần/phút.
– Các trường hợp không được tập: Thiếu máu, huyết áp cao, tiểu đường, thoái hóa cột sống cổ.
– Phải ngưng tập khi bị chóng mặt, đau lưng, muốn ói, thắt tử cung, cháy máu âm đạo.
Điểm chính yếu là tập điều độ nhẹ nhàng, không tập căng thẳng quá 15 phút.
- Ba tháng đầu: Có thể tập tất cả các môn trừ môn đã cấm
- Ba tháng giữa: Bơi lội, đi bộ, tập lưng bụng
- Ba tháng cuối: Nên đi bộ thong thả.
- Sau khi sanh: Hai tuần đầu: tập bụng, đi lại
- Bốn tuần kế: Thể dục nhẹ nhàng
- Ba tháng sau: Tập bình thường các môn cũ
- Sau khi sinh, các cơ quan bình thường trở lại từ từ sau 6 tuần, cần chú ý tập cơ vùng bụng và lưng.
Khi đang trong thời kỳ cho con bú, mẹ có nên tập thể dục thể thao không?
Theo dõi các trường hợp cho con bú sau khi sinh của các sản phụ, người ta thấy không có trở ngại khi tập thể dục trở lại. Trẻ bú sữa mẹ có tác dụng thúc đẩy quá trình bình thường hóa các chức năng cơ thể của người mẹ. Tuy nhiên, các vận động nặng, căng thẳng sẽ làm giảm lưu lượng sữa ở sản phụ.
Như vậy, tập thể dục thể thao có tác dụng tốt đối với người phụ nữ có thai, kể cả sau khi sinh, khi sự tập luyện được thực hành nhẹ nhàng, điều độ và có sự theo dõi của bác sĩ.