Có thể nói, sinh nở là đại sự quan trọng bậc nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Vui hay buồn, hung hay cát, đối với nhiều người, được quyết định bởi chuyện sinh nở thành hay bại. Sinh nở cũng là thời khắc mà thân thể và tinh thần người phụ nữ phải trải qua những thử thách nghiêm trọng nhất. Hơn nữa, do quan niệm sản phụ khi sinh nở không “sạch sẽ”, cho nên dù xét từ góc độ phòng tránh những tác hại của ngoại giới đối với sản phụ, hay là xét từ góc độ sức khoẻ của sản phụ và trẻ sơ sinh thì đối với sản phụ cũng đều có những điều kiêng kỵ cần phải tuân thủ.
Dưới đây là 15 điều mà các sản phụ Trung Quốc xưa phải chú ý kiêng tránh:
- Kỵ căng thẳng, hồi hộp và lo buồn, nhất là ở thời kỳ thai nhi mới tượng hình. Bởi nếu nghe nói hoặc chứng kiến những điều không hay về các trường hợp sinh khó của người khác, dễ dẫn đến sự liên tưởng và sợ hãi rằng sau này khi mình sinh cũng sẽ gặp phải tình huống tương tự. Mà nếu suy nghĩ, lo lắng buồn phiên nhiều thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của thai phụ lẫn thai nhi. Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Người càng sợ, sói càng dọa”, “Mọi chuyện đều do con người tưởng tượng ra”. Dân gian Trung Quốc còn cho rằng trước khi lâm bồn mà sản phụ nghĩ nhiều về điều gì thì khi sinh sẽ ứng nghiệm vào điều đó. Cho nên người ta yêu cầu người mang thai phải kiêng kỵ căng thẳng, lo lắng đồng thời cố gắng làm cho thai phụ luôn vui vẻ, lạc quan. Do vậy họ có những câu tục ngữ nói: “Dưa chín thì rụng cuống”, “Tự nhiên thì qua khỏi” để giảm thiểu sự lo lắng cho những phụ nữ mang thai.
- Kiêng tiếp xúc với nước lạnh và ra gió. Dân gian cho rằng khi phụ nữ sinh nở, tất cả xương cốt đều giãn nở ,nếu lúc này tiếp xúc với nước lạnh hoặc gió trời thì dễ sinh bệnh tật khiến sau này cả đời phải chịu đau đớn dày vò. Bởi vậy, sau khi sinh, sản phụ cần cẩn thận, hết sức tránh đụng tới nước lạnh, ngay cả cửa sổ phòng sản phụ cũng phải đóng thật kín không để hơi gió lọt vào. Ở vùng Hà Nam yêu cầu sản phụ sau khi sinh phải tránh gió đúng một trăm ngày, nếu không sẽ mắc bệnh “sản hậu phong” hoặc “nguyệt nội phong”! Rất nhiều dân tộc như Hán, Miêu, Dao, Xa, Bố Y… cũng đều có tập tục kiêng kỵ để sản phụ tiếp xúc với nước lạnh và gió. Đối với người Miêu, trong ba ngày sau khi sinh kỵ giặt quần áo; sản phụ dân tộc Dao và tộc Xa sau khi sinh bốn mươi ngày kỵ đụng đến nước lạnh. Sản phụ các vùng Hà Nam, Sơn Đông và An Huy đều kỵ tắm rửa và giặt giũ khi bé sơ sinh chưa đầy tháng. Thậm chí người ta cũng nghiêm cấm sản phụ rửa mặt hay rửa tay bằng nước lạnh hoặc đi gánh nước trong thời gian ở cữ. Đương nhiên, ngoài nguyên nhân lo ngại sản phụ sinh bệnh đau nhức xương cốt sau này vì tiếp xúc với nước lạnh, còn nguyên nhân khác là do quan niệm sản phụ “không sạch sẽ” làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Ví dụ dân gian ở Lộc ấp, Hà Nam tin rằng nếu sản phụ ra giếng múc nước thì nước trong giếng sẽ sinh trùng đỏ.
- Kiêng để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào người. Người ta cho rằng khi sản phụ ra ngoài phải đội mũ nón và choàng khăn che kín đầu, kỵ để ánh nắng mặt trời chiếu vào đỉnh đầu. Điều này theo dân gian vừa có ý nghĩa tránh ánh nắng nóng gắt chiếu trực tiếp và gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người sản phụ, cũng vừa mang ý nghĩa tránh xúc phạm đến thần mặt trời (vì sản phụ bị xem là “bất khiết”).
- Kiêng hắt nước rửa của sản phụ một cách lung tung. Bởi dân gian cho rằng nếu không kiêng kỵ điều này có thể vô tình làm ô uế các bà mụ hoặc những thần linh, ma quỷ và phải gánh chịu sự trừng phạt của những thế lực siêu nhiên này. Tục này phổ biến rất rộng trong các dân tộc Trung Quốc.
- Kỵ mang giường ra hong hơ khi trẻ sơ sinh chưa đầy tháng, nếu không hài nhi sẽ khó trưởng thành. Kiêng kỵ này cũng nhằm để sản phụ được tịnh dưỡng ít nhất là một tháng sau khi sinh.
- Kỵ những “hỉ sự” (như đám cưới) hoặc “ai sự” (như đám ma) của một thành viên nào đó trong gia đình diễn ra gần với trước hoặc sau khi sản phụ sinh, đề phòng những bất lợi cho cả hai bên vì quan niệm dân gian vẫn cho rằng “hỷ xung hỷ” (vui xung khắc với vui) và “hung xung hỷ” (buồn xung khắc với vui).
- Kỵ sang nhà hàng xóm khi sinh chưa đầy tháng. Người ta cho là lúc này, “máu dơ trong người sản phụ còn chưa hết, uế khí còn nặng, nên khi sang nhà người khác sẽ bị cho là “sản phụ xung trạch” hoặc “nhiệt huyết phốc môn” (máu nóng dập cửa) – là điều vô cùng ô uế, là điềm triệu xấu. Nếu có sản phụ nào đó không may phạm phải điều kiêng kỵ này, thì cách hoá giải thường là người sản phụ phải đội một chiếc khăn đỏ, đốt nhang, giấy vàng để tế tạ trạch thần nhà người mình lỡ bước vào. Tục này lưu truyền rất rộng, gần như ở toàn Trung Quốc. Với người tộc Cơ Nặc, khi trong nhà có người mới sinh, họ sẽ cắm hai cành ngô đồng làm dấu hiệu không cho người lạ bước vào, họ cũng đặt trên đầu cầu thang vài chiếc lá tre và lá ngô đồng để phòng tránh ma quỷ xâm nhập. Còn khi người Lật Túc sinh, họ lại treo bó cỏ tranh hoặc một cành si ở cổng nhà mình để ngăn ngừa quỷ vào. Khi trẻ sơ sinh khóc nhiều, người ta có tục treo trước cổng một mũi tên độc (hoặc 2 mũi tên không có độc), nếu sinh con trai, thì khách không được mang cung tên và trường đao khi vào nhà, nếu sinh con gái, thì khách đến nhà không được mang hài. Khách phương xa cũng không được vào nhà có sản phụ mới sinh. Trong nhà sản phụ, người ta cũng kỵ đốt râu bắp, không để lửa cháy lớn v.v. Dân gian tin rằng nếu không tuân theo những cấm kỵ này, đứa bé sẽ yếu mệnh.
- Kiêng đến đình chùa miếu mạo và không được tham dự vào tất cả những hoạt động cúng tế, nếu sinh chưa đầy tháng. Điều này cũng xuất phát từ quan niệm cho rằng sản phụ là “không sạch sẽ”, sợ xúc phạm đến thần linh.
- Kỵ việc gặp gỡ một sản phụ khác. Sau khi sinh chưa đầy tháng, hai sản phụ kỵ gặp gỡ và chúc mừng nhau, nếu không sẽ phạm vào điều kỵ “hỷ xung hỷ”.
- Kỵ ra khỏi nhà, nhất là vào ban đêm, thậm chí sản phụ cũng không được ngồi đến quá khuya ngay cả ở trong sân nhà mình. Dân gian cho rằng đêm tối là lúc ma quỷ hoạt động và như vậy sẽ rất không tốt cho sản phụ và bé sơ sinh. Nếu bất đắc dĩ phải đi thì sản phụ cần mang theo một chiếc dù để che giấu “uế khí” của mình, tránh phạm đến ma quỷ. Tục này rất phổ biến ở Trung Nguyên và Đài Loan.
- Kỵ dùng tay chạm vào mắt trẻ hoặc đánh trẻ sơ sinh, vì người ta cho rằng móng tay sản phụ có độc sẽ gây bệnh mắt đỏ cho trẻ; và nếu đánh trẻ, sau này khi trẻ lớn sẽ không sợ roi vọt, khó dạy dỗ.
- Kỵ nuôi ngỗng, vì dân gian tin rằng trong lông ngỗng có độc, người ta sợ rằng khi sản phụ sơ ý giẫm phải lông ngỗng khiến trẻ bị nhiễm bệnh đậu sởi.
- Kỵ mặc áo mưa ra khỏi nhà, kỵ gánh thùng không vào nhà, kỵ giẫm đạp lên bếp.
- Kỵ chuyện chăn gối trong một khoảng thời gian trước và sau khi sinh bởi người ta cho rằng phụ nữ thời mang thai và mới sinh là “bất khiết”, nếu không kiêng cữ chăn gối, sẽ làm tổn thương thân thể của cả vợ lẫn chồng.
- Kỵ ăn những thức ăn cứng, lạnh và khó tiêu hoá như các loại thịt, dầu mỡ… Mà nên ăn: trứng gà, đường đỏ, canh gà, canh miến và ăn ít cơm. Sản phụ vùng Hà Bắc kỵ ăn thịt heo và thịt trâu vì người ta cho rằng ăn những loại thịt này khí huyết không lưu thông, làm cho nhũ hoa thụt vào trong khiến cho trẻ khó bú. Nhưng ở vùng Hà Nam người ta lại khuyến khích các sản phụ ăn móng heo. Ngoài ra, sản phụ vùng Hà Nam còn kỵ ăn cần tây, hoa tiêu. Sản phụ người tộc Dư sau khi sinh chưa mãn bốn mươi ngày, kỵ ăn rau xanh và muối, chưa mãn một trăm ngày, kỵ ăn vịt và ngỗng. Ở nửa sau của tháng đầu tiên sau khi sinh, sản phụ người Hani kỵ ăn những thực phẩm chua, cay, tanh, lạnh, sống và những đồ chiên nấu bằng dầu mè, chẳng hạn: thịt trâu, vịt, ngỗng, gà trống, trứng vịt, gừng… Sản phụ tộc Ngạc Luân Xuân kỵ ăn nội tạng và thịt đầu của chó, nai. Kỵ nấu nướng thịt tươi của dã thú trong buồng thai phụ, người ta cho rằng nếu ăn loại thịt này thì khi đi săn sẽ về tay không.
Về khoản kiêng kỵ trong ẩm thực dành cho các sản phụ, có sự khác nhau khá lớn giữa hai vùng Nam và Bắc Trung Quốc, điều này xuất phát từ sự không giống nhau về thuỷ thổ giữa hai miền mà ra. Miền Bắc có khí hậu khô nóng nên các sản phụ kỵ ăn những thức khô cứng, ăn ít cơm. Phương Nam khí hậu ấm áp nên người ta xem cơm là đồ ăn chính, các sản phụ ở đây cũng không kiêng ăn cơm khô… từ đó tạo thành các thói quen và phong tục khác nhau.